Skip to main content
x

Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh đảm bảo số lượng, chất lượng

Đổi mới, có phương pháp giảng dạy khoa học sẽ giúp học sinh, sinh viên hăng say học tập, bộc lộ tài năng quân sự, làm cơ sở phát hiện, tuyển chọn, tạo nguồn nhân lực cho xây dựng lực lượng vũ trang, coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy môn học, đặc biệt chú ý đến những nội dung hoạt động đặc thù của lĩnh vực quân sự; giảm thời gian dạy lý thuyết, tăng thời gian học thực hành kỹ năng quân sự, kết hợp với tham quan thực tế tại các đơn vị sẵn sàng chiến đấu của quân chủng, binh chủng gắn với ngành học của học sinh, sinh viên. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên trưởng thành toàn diện, tự tin, có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

ANQP-3.jpg

Hai là, xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh đảm bảo số lượng, chất lượng. Để xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu môn học, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh1. Phấn đấu đến năm 2020, bảo đảm đào tạo đáp ứng được 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở mã ngành đào tạo cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh, kết hợp chiêu sinh, cử tuyển đào tạo văn bằng 2; đồng thời, lựa chọn, giao chỉ tiêu đào tạo cho các sở giáo dục và đào tạo có đủ điều kiện. Để thu hút thí sinh đăng ký tuyển sinh đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất bảo đảm chế độ, tiêu chuẩn như học viên đào tạo sĩ quan; khi ra trường được xét phong quân hàm sĩ quan dự bị, ưu tiên tuyển dụng, v.v. Về lâu dài, để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh yên tâm, gắn bó với công việc, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, trước mắt thực hiện Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BCA-BNV-BTC, ngày 16-7-2015 của liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tài chính về quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tăng cường sĩ quan biệt phái cho các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, trường đại học, cao đẳng còn thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.